Di tích lịch sử và lễ hội truyền thống
1. Đền Ngọc Sơn: Xa xưa truyền rằng, ở gò đất trong hồ đã có các tiên nữ thường về đây múa hát. Thời Lý, Trần, nơi đây gọi là Ngọc Tượng Sơn. Cuối đời Lê xây chùa Ngọc Sơn thờ Phật, bên cạnh có đền Quan Đế. Thời Nguyễn, chuyển thành đền thờ Văn Xương Đế Quân, rồi lại phối thờ Lã Động Tân và đặc biệt là thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Năm 1865, Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây dựng lại đền Ngọc Sơn có diện mạo gần giống như hiện nay, liên hoàn, tinh tế với các công trình: tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba.
Xây dựng trên đảo Ngọc, thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn không những là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, mà còn là nơi biểu dương thần tượng văn võ song toàn - Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và ngôi sao Văn Xương - Thần chủ văn học của đất kinh kỳ.
Hai chữ đại tự “Phúc” “Lộc” do Nguyễn Văn Siêu viết ở cổng đền, là tâm nguyện của người xưa khắc ghi trên bia đá: “Người làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của mình, để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Được như vậy chỉ chẳng cầu phúc, cầu lộc, nhưng phúc lộc vẫn tự nhiên đến với họ”.
Đền Ngọc Sơn thường xuyên được tu bổ, tôn tạo để luôn xứng đáng với Hà Nội - Thủ đô hòa bình, trái tim của cả nước.
Đền Ngọc Sơn
2. Đền Bà Kiệu: Nằm bên bờ thắng cảnh Hồ Gươm, đối diện với đền Ngọc Sơn, nhìn qua tháp Bút, qua cầu Thê Húc.
Đền có tên chữ “Thiên Tiên Điện”, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa - một trong “Tứ bất tử” trong thần điện người Việt, Đệ nhị Ngọc nữ Quỳnh Hoa và Đệ tam Ngọc nữ Quế Nương. Những năm đầu thế kỷ, do quy hoạch mở đường nên đã tách kiến trúc Đền làm hai phần: Nghi môn nằm sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm và đền chính tọa lạc song song, cách đường phố Đinh Tiên Hoàng. Đền có quy mô kiến trúc hình chữ Công (I) gồm: nhà đại bái 3 gian rộng, phương đình hai tầng bốn mái và 3 gian hậu cung được quy hoạch tập trung tạo sự bề thế trang nghiêm.
Bộ di vật văn hóa - lịch sử của đền Bà Kiệu rất phong phú, đa dạng gồm bia đá, chuông đồng, hệ thống 27 đạo sắc phong thần thuộc các triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Với hàng cột đá trong kiến trúc và hai cây đa cổ thụ sát bên Đền đã đem lại sự cổ kính và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Việt Nam.